Nguồn: Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Tin an ninh, quốc phòng
Ngày 20-03-2018
Đào tạo, tuyển dụng giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh – những vấn đề đặt ra
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên và từ thực trạng đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học này, những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng, phát triển, từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 472/QĐ-TTg, ngày 12-4-2010 về phê duyệt Đề án “Đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, giai đoạn 2010 - 2016”; Quyết định 607/QĐ-TTg, ngày 24-4-2014 về phê duyệt Đề án “Đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục đại học đến năm 2020”. Mục tiêu của các đề án là: “Đến năm 2016 có đủ số lượng giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh giảng dạy ở các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề” và “Đến năm 2020, bảo đảm đào tạo đáp ứng được 90% nhu cầu giáo viên và 70% nhu cầu giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh giảng dạy ở các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục đại học”.
Thực hiện mục tiêu đó, 12 trường đại học1 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh hệ đại học chính quy tập trung. Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng với nỗ lực của các cấp, ngành, trường đại học, việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh đã đạt được kết quả thiết thực. Qua đó, bổ sung nguồn giáo viên giảng dạy môn học này ở các bậc học từ trung học phổ thông đến đại học trong phạm vi cả nước. Đến nay, cơ bản các trường trung học phổ thông đã có giáo viên chuyên trách; đội ngũ giáo viên, giảng viên thuộc các trung tâm, khoa, bộ môn giáo dục quốc phòng và an ninh của các trường cao đẳng, đại học đã được bổ sung, kiện toàn, có chất lượng tương đối toàn diện. Kết quả đó đã góp phần quan trọng thực hiện chủ trương đưa môn học giáo dục quốc phòng và an ninh trở thành môn học chính khóa và tổ chức học theo phân phối chương trình; chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, việc đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh sau tốt nghiệp vẫn còn những khó khăn, bất cập, với nhiều vấn đề mới đặt ra cần tháo gỡ.
Trước hết, việc đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh còn khó khăn về số lượng, chất lượng đầu vào. Theo Quyết định 472/QĐ-TTg, đến năm 2016 phải đào tạo được khoảng 9.760 giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh. Tuy nhiên, khảo sát tại các trường đại học đang đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh cho thấy, với lưu lượng đào tạo như hiện nay thì đến năm 2020 mới có khoảng 4.300 sinh viên tốt nghiệp. Như vậy, số lượng đào tạo chưa đạt mục tiêu đã xác định và chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, dẫn đến các trường, nhất là cấp trung học phổ thông chưa đủ giáo viên giảng dạy môn giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định. Hạn chế này là do các trường đại học được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên chậm triển khai thực hiện, đến năm 2012, phần lớn các trường mới hoàn tất mở mã ngành đào tạo. Cá biệt, có trường hiện nay vẫn chưa tiến hành tuyển sinh, đào tạo, do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Bên cạnh đó, nhận thức của xã hội về môn học và giáo viên giảng dạy giáo dục quốc phòng và an ninh chưa tương xứng với vị trí của nó. Thêm vào đó, mục tiêu đào tạo trở thành giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh có tính đặc thù, yêu cầu cao về trí lực, thể lực, đòi hỏi người học phải có trình độ tư duy, sức khỏe dẻo dai, ý chí, khả năng chịu đựng, v.v. Bởi vậy, dù đã có những chính sách thu hút, đãi ngộ, nhưng hằng năm, số lượng học sinh đăng ký dự thi vào ngành giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh còn hạn chế. Chất lượng đầu vào của sinh viên đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh so với sinh viên các ngành khác trong cùng trường đại học cũng thường thấp hơn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đầu ra và chất lượng giảng dạy sau này. Để giải quyết vấn đề này, cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng nghiệp, nhất là phổ biến công khai về chế độ, chính sách thu hút, đãi ngộ đối với đối tượng đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh trong quá trình đào tạo, cũng như tuyển dụng. Từ đó, không chỉ động viên, khuyến khích mà ngày càng thu hút được học sinh có chất lượng cao đăng ký dự thi, tạo điều kiện thuận lợi để các trường tuyển sinh đủ chỉ tiêu và nâng cao chất lượng đầu vào. Mặt khác, các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ hai, chương trình, nội dung đào tạo chưa thật phù hợp với đặc thù môn học. Môn học giáo dục quốc phòng và an ninh có tính đặc thù cao, đòi hỏi người thầy phải có trình độ toàn diện cả về lý luận, thực tiễn, kỹ năng quân sự. Qua nghiên cứu chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, nội dung lý thuyết chiếm 67,2%; phần thực hành chiếm 32,8%. Khảo sát chương trình, nội dung đào tạo cụ thể tại các trường đại học thì sự chênh lệch giữa lý thuyết và thực hành cũng rất lớn (lý thuyết từ 63,72% - 65,43%; thực hành chỉ từ 34,57% - 36,28%), thậm chí có môn học chỉ thuần túy kiến thức lý luận mà không có phần thực hành. Điều này cho thấy, chương trình, nội dung đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh đang mất cân đối giữa lý thuyết và thực hành, nên ảnh hưởng đến phát triển kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng thực hành nghề nghiệp sư phạm của người học. Khảo sát đối tượng sinh viên đang đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh về 04 nội dung liên quan đến chương trình, nội dung đào tạo, có từ 8% - 18,67% cho rằng chưa tốt. Kết quả này phản ánh việc thiết kế chương trình, nội dung đào tạo hiện nay chủ yếu theo hướng tiếp cận nội dung, mà chưa chú ý tiếp cận năng lực người học và mục tiêu cần đạt được khi tốt nghiệp ra trường. Đây là thực trạng, đồng thời là nguyên nhân làm cho học viên tốt nghiệp ra trường khi tiếp xúc với thực tế còn lúng túng, hạn chế trong tư duy lý luận và hành động.
Vì thế, việc xác định chương trình, nội dung đào tạo phù hợp với yêu cầu của môn học, tạo khả năng, năng lực làm chủ cho người thầy trong giáo dục quốc phòng và an ninh là đòi hỏi khách quan, cần thiết. Theo đó, các trường đại học cần tích cực, chủ động đổi mới chương trình, nội dung đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực người học, lấy kết quả đầu ra làm chuẩn để xây dựng chương trình, nội dung đào tạo, nghĩa là trả lời câu hỏi làm sao để học viên hiểu biết và làm được gì. Làm được như vậy, sẽ thực hiện được mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất, nhân cách, hình thành năng lực chuẩn của người giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh trên cả ba phương diện là kiến thức, kỹ năng và thái độ trong thực hiện dạy học, giáo dục, tổ chức các hoạt động.
Thứ ba, đội ngũ cán bộ, giảng viên làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng những người thầy môn giáo dục quốc phòng và an ninh có mặt chưa đáp ứng so với yêu cầu đề ra. Thực tế hiện nay, đội ngũ giảng viên ở các trường đại học tham gia đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh phần lớn là sĩ quan Quân đội biệt phái, đang thiếu về số lượng, chất lượng có mặt chưa đạt chuẩn hóa. Theo thống kê năm 2016, số lượng giảng viên chỉ đạt 61,34% so với biên chế; số giảng viên có trình độ sau đại học thấp (trình độ thạc sĩ đạt 26%; trình độ tiến sĩ đạt 2,74%). Trong khi đó, vì nhiều lý do, các cơ sở đào tạo lại chưa có mã ngành đào tạo trình độ sau đại học ngành giáo dục quốc phòng và an ninh. Đây là trở ngại không nhỏ trong phát triển, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên trực tiếp đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh. Bởi vậy, để sớm chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, các cơ sở đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh cần đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng giảng viên. Chú trọng kiện toàn tổ chức, biên chế, xây dựng, ban hành tiêu chí chuẩn về số lượng, chất lượng giảng viên, làm cơ sở cho việc tuyển dụng, đào tạo và quy hoạch, bố trí sử dụng. Mặt khác, các cơ quan chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế đặc thù, để các trường sớm mở mã ngành đào tạo sau đại học ngành giáo dục quốc phòng và an ninh, góp phần chuẩn hóa đội ngũ giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.
Thứ tư, việc tuyển dụng giáo viên sau khi tốt nghiệp còn bất cập. Theo Quyết định 607/QĐ-TTg, “Học viên tốt nghiệp, bao gồm cả nữ, nếu có đủ tiêu chuẩn sức khỏe và tình nguyện đăng ký, được xét phong quân hàm sĩ quan dự bị theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và quy định của Chính phủ về sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam; được ưu tiên tuyển dụng làm giáo viên các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục đại học”. Tuy nhiên, khảo sát số sinh viên chính quy ngành giáo dục quốc phòng và an ninh tốt nghiệp năm 2016, 2017 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho thấy, chỉ có khoảng trên 50% được sử dụng đúng chuyên ngành đào tạo. Trong khi đó, nhiều cơ sở giáo dục hiện nay vẫn thiếu giáo viên chuyên trách giáo dục quốc phòng và an ninh, nhất là các trường trung học phổ thông. Nguyên nhân không hoàn toàn do chất lượng học viên tốt nghiệp thấp, không đáp ứng yêu cầu đề ra mà chủ yếu là do cơ chế tuyển dụng của các địa phương, dẫn đến thiếu giáo viên bộ môn giáo dục quốc phòng và an ninh nhưng lại thừa giáo viên các bộ môn khác. Mặt khác, các trường trung học phổ thông ngoài công lập ít tuyển dụng giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh, chủ yếu là mời giáo viên của trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh hoặc đơn vị quân đội giảng dạy. Bên cạnh đó, Thông tư 02/2017/TT-BGDĐT, ngày 13-01-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo “Ban hành chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường trung học phổ thông” quy định việc tổ chức dạy và học môn học này đang có những điểm bất cập, chưa thật phù hợp với quy định của Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh. Điều này dễ dẫn đến các địa phương, các trường trung học phổ thông không mặn mà tuyển dụng giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh. Tình trạng này nếu chậm được khắc phục sẽ gây lãng phí nguồn nhân lực và công sức, ngân sách đào tạo. Hơn nữa, nếu quản lý không tốt đối tượng này sẽ tiềm ẩn các vấn đề phức tạp nảy sinh. Do đó, các địa phương cần thực hiện nghiêm chính sách ưu tiên tuyển dụng giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh sau khi tốt nghiệp để có đủ giáo viên giảng dạy môn học này theo quy định.
Giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, giải quyết thấu đáo những khó khăn, bất cập trong đào tạo, bố trí, sử dụng giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh là cơ sở quan trọng để chủ trương đó thực sự đi vào cuộc sống.
Đại tá, TS. PHAN XUÂN DŨNG, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
___________________
1 - Bao gồm các trường: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Vinh, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm thuộc Đại học Đà Nẵng, Đại học Chính trị, Đại học Trần Quốc Tuấn, Đại học Nguyễn Huệ, Đại học Trần Đại Nghĩa, Đại học Ngô Quyền, Đại học Thông tin liên lạc và Học viện Biên phòng.