Tin an ninh, quốc phòng

Ngày 03-04-2018

Đổi mới giáo dục quốc phòng an ninh cho học sinh, sinh viên trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQPAN) là một nội dung quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày 19 tháng 11 năm 1958 Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký Nghị định số 511-TTg Quy định những điểm cụ thể về chế độ của sĩ quan tại ngũ biệt phái nói trong Luật số 109-SL/L11 ngày 31/5/1958 của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, trong đó tại Điều 2 quy định nhiệm vụ của sĩ quan biệt phái đảm nhiệm nhiệm vụ huấn luyện viên quân sự tại các trường học. Nghị định này đánh dấu sự ra đời môn học mới trong hệ thống giáo dục quốc dân – môn học quân sự, cơ sở của môn học GDQPAN ngày nay.

Ngày 28/12/1961, Hội đồng chính phủ nước ta đã ban hành Nghị định số 219/CP về việc huấn luyện quân sự cho quân nhân dự bị và dân quân tự vệ. Nghị định nêu rõ: “Trong các trường đại học và các trường chuyên nghiệp trung cấp, việc học tập quân sự phải đặt thành một môn học chính. Sinh viên các trường đại học được huấn luyện theo chương trình đào tạo sĩ quan, học sinh các trường chuyên nghiệp trung cấp được huấn luyện theo chương trình đào tạo hạ sĩ quan”. Thực hiện Nghị định 219, trong những năm đất nước có chiến tranh, công tác huấn luyện quân sự phổ thông đã góp phần quan trọng bồi dưỡng, trang bị kiến thức quân sự cần thiết cho bao lớp thanh niên, học sinh và sinh viên để họ tình nguyện lên đường tòng quân nhập ngũ hoặc tham gia lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Khi đất nước được thống nhất, công tác huấn luyện quân sự phổ thông tiếp sức cho thế hệ trẻ tiếp tục tham gia vào cuộc chiến tranh bảo vệ vững chắc biên giới tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc, đất nước hoà bình lại sát cánh cùng nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cùng với quá trình xây dựng đất nước, công tác giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên và các đối tượng khác được Đảng và Nhà nước ta hết sức chú trọng. Năm 1980, Chính phủ ban hành Thông tư liên Bộ Quốc phòng – Đại học và Trung học chuyên nghiệp số 107/LB-QP-ĐH ngày 21/1/1980 về việc huấn luyện sĩ quan dự bị trong học sinh các trường đại học và cao đẳng, nhằm bồi dưỡng cho sinh viên những kiến thức cơ bản về khoa học quân sự (lý thuyết và thực hành) để sau khi tốt nghiệp ra trường, khi cần thiết có thể hoàn thành tốt nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc với cương vị người sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, qua đó đã đào tạo được hàng vạn sĩ quan dự bị, chuẩn bị tốt đội ngũ cán bộ trẻ sẵn sàng đáp ứng yêu cầu xây dựng, chiến đấu của lực lượng vũ trang.

Qua mỗi giai đoạn cách mạng, trước những yêu cầu thực tiễn của đất nước, nội dung Huấn luyện quân sự phổ thông được phát triển thành môn học Giáo dục quốc phòng và Giáo dục quốc phòng – an ninh, nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân. Ngày 1/5/2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2001/NĐ-CP về Giáo dục quốc phòng. Nghị định đã xác định rõ vị trí, tính chất của công tác Giáo dục quốc phòng thuộc nội dung của nền giáo dục quốc gia, là nội dung cơ bản trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược đào tạo con người mới xã hội chủ nghĩa. Đồng thời Nghị định 15 cũng quy định Giáo dục quốc phòng là môn học chính khoá trong các trường, lớp đào tạo bậc đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, trung học phổ thông thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; các trường chính trị, hành chính và đoàn thể.

Ngày 15/8/2001, để đẩy mạnh công tác quốc phòng toàn dân, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 119/2001/QĐ-TTg vể việc thành lập Hội đồng Giáo dục quốc phòng Trung ương với chức năng tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch hoạt động và những công tác quan trọng về giáo dục quốc phòng. Việc thành lập Hội đồng Giáo dục quốc phòng Trung ương đã có những tác động sâu sắc đến cả các cơ quan quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ GDQP, làm thay đổi tư duy của các cấp, các ngành đối với môn học GDQP và góp phần khẳng định được vị thế của môn học trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Năm 2007, thực hiện Chỉ thị số 12 – CT/TW ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; môn học giáo dục quốc phòng được chính thức đổi tên thành môn học Giáo dục quốc phòng – an ninh (lồng ghép kiến thức giáo dục an ninh trong giáo dục quốc phòng). Ngày 10/7/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2007/NĐ-CP về Giáo dục quốc phòng – an ninh. Một lần nữa vị trí, tính chất của công tác Giáo dục quốc phòng – an ninh được xác định “là bộ phận của nền giáo dục quốc dân, một nội dung cơ bản trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; là môn học chính khoá trong chương trình giáo dục, đào tạo trung học phổ thông đến đại học và các trường chính trị, hành chính, đoàn thể. Việc học tập, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh là quyền lợi và nghĩa vụ của cán bộ, công chức và của toàn dân. Kiến thức quốc phòng – an ninh tương ứng với chức danh cán bộ là một trong các tiêu chuẩn bắt buộc và là một trong những tiêu chí để xem xét, đề bạt, bổ nhiệm đối với người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, tổ chức các cấp, các ngành”. Đánh giá kết quả sau gần 3 năm thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW và Nghị định 116, ngày 31 tháng 03 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị số 417/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện công tác Giáo dục quốc phòng – an ninh năm 2010 và những năm tiếp theo. Chỉ thị đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, các ngành Trung ương tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượngkhẩn trương triển khai thực hiện đề án đào tạo giáo viên GDQP-AN, tăng cường sỹ quan biệt phái cho các trung tâm GDQP-AN sinh viên, các trường đại học, cao đẳng để nâng cao chất lượng GDQP-AN…

Giáo dục quốc phòng – an ninh đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành một nội dung quan trọng để công dân phát huy trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, ngày 19/6/2013, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành “Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh” (Luật số: 30/2013/QH13) khẳng định cơ sở pháp lý và tầm quan trọng của công tác Giáo dục quốc phòng – an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều 4 của Luật giáo dục quốc phòng và an ninh xác định mục tiêu: “Giáo dục cho công dân kiến thức về quốc phòng và an ninh để phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

60 năm từ khi Nghị định số 511-TTg Quy định những điểm cụ thể về chế độ của sĩ quan tại ngũ biệt phái nói trong Luật số 109-SL/L11 ngày 31/5/1958 của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa được ban hành, với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Đảng và Nhà nước ta, công tác giáo dục quốc phòng  an ninh đã trải qua quá trình phát triển vững chắc, cả bề rộng và chiều sâu, chất lượng ngày càng cao. Qua đó, đã giáo dục cho HS, SV về những chủ trương, quan điểm cơ bản của Đảng về quốc phòng an ninh, nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng và rèn luyện những kỹ năng quân sự cần thiết, để tuổi trẻ góp phần vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, công tác GDQPAN cũng còn những hạn chế, bất cập, cả về chỉ đạo, quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên, nội dung, chương trình… Tình hình trên ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng GDQPAN tại các cơ sở giáo dục đào tạo. Từ kết quả và những bài học kinh nghiệm đã được tổng kết, để nâng cao chất lượng GDQPAN trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên GDQPAN, biên chế cơ hữu và có cơ chế chính sách sử dụng đội ngũ giáo viên, giảng viên.

Để thực hiện giải pháp này cán bộ lãnh đạo, quản lý trong ngành giáo dục đào tạo và các đơn vị phối hợp cần tăng cường nhận thức về nhiệm vụ GDQPAN; quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 12 – CT/TW ngày 03 tháng 5 năm 2007  của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Kiện toàn đội ngũ giáo viên GDQPAN, theo lộ trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo.    

Triển khai nghiêm túc, hiệu quả Đề án “Đào tạo giáo viên, giảng viên GDQPAN cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và các cơ sở giáo dục đại học đến năm 2020” theo Quyết định số 607/QĐ-TTg, ngày 24/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức tuyển sinh ở trường quân sự hay trường sư phạm phải thống nhất cơ chế chính sách bảo đảm cho người học. Kết hợp tuyển chọn đào tạo cử nhân GDQPAN dài hạn 4 năm với cử tuyển đào tạo văn bằng 2 là cách làm hiệu quả nhất, vừa ổn định tổ chức biên chế của các cơ sở đào tạo, đảm bảo nhiệm vụ trước mắt, vừa xây dựng nguồn chính quy lâu dài.

Hai là, đổi mới nội dung chương trình GDQPAN gắn với đổi mới phương pháp giảng dạy và công tác tổ chức quản lý môn học.

Bám sát mục tiêu yêu cầu GDQPAN cho thế hệ trẻ trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc hiện nay. Các cấp học và trình độ đào tạo, mỗi chương trình có nội dung và mục tiêu riêng với khối lượng kiến thức phù hợp, đảm bảo tính liên thông không trùng lặp. Mức độ phân cấp về nội dung rõ nét, kết hợp phương pháp tuyến tính với đường tròn đồng tâm trong phát triển chương trình. Đối với chương trình GDQPAN cho học sinh trung học phổ thông tập trung vào các nội dung trong chương trình huấn luyện chiến sĩ mới; chương trình GDQPAN cho học sinh các trường trung cấp tập trung vào các nội dung trong chương trình huấn luyện tiểu đội trưởng chuyên ngành; chương trình GDQPAN cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học tập trung vào các nội dung trong chương trình huấn luyện sĩ quan dự bị phù hợp với ngành nghề được đào tạo nhằm tận dụng tối đa nguồn nhân lực phục vụ quân đội sau này.

Cùng với đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy và công tác quản lý môn học cũng phải kịp thời điều chỉnh, chương trình GDQPAN cấp trung học phổ thông tổ chức học dải các nội dung lý thuyết, các nội dung thực hành học tập trung dứt điểm, không học dải. Đối với sinh viên cần được học tập tập trung tại các trung tâm. Tuy nhiên, việc đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp phải chú ý dựa trên cơ sở bảo đảm đủ nội dung, chương trình và thời gian học tập.

Ba là, Nhà nước đầu tư nguồn kinh phí cho môn học; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo hướng thực hành là chính.

Môn học GDQPAN là môn học chính như các môn học khác trong hệ thống giáo dục đào tạo. Hiện nay học sinh, sinh viên vẫn đang thực hiện việc đóng học phí cho môn học này- Môn học xây dựng lòng yêu nước và rèn luyện kỹ năng bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, cần nghiên cứu đề xuất Nhà nước bảo đảm trang bị, bao cấp học phí cho môn học này và xã hội hóa các nguồn kinh phí trong xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường thiết bị dạy học GDQPAN. Các trường cần đầu tư đúng, đủ vật chất, thiết bị theo yêu cầu chương trình, trên cơ sở đó để đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá kết quả học tập. Trong thực hành kĩ năng đối với học sinh, sinh viên phải được bắn đạn thật các  loại súng bộ binh theo chương trình. Việc tổ chức cho toàn bộ học sinh, sinh viên được bắn đạn thật là vấn đề hết sức khó khăn nhưng có lợi ích rất lớn trong quá trình học tập. Để làm được việc này cần có sự chỉ đạo thống nhất của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường và cơ quan quân sự địa phương, đơn vị quân đội, công an và có nguồn kinh phí để thực hiện nội dung này. Đối với học sinh được bảo đảm mô hình học cụ, vũ khí trang bị, phòng học chuyên dùng, trang phục thống nhất khi học môn học GDQPAN; đối với sinh viên phải được học tập trung 1 tháng tại các trung tâm hoặc cơ sở đào tạo; toàn bộ chi phí đào tạo, ăn ở phải được bao cấp.

Bốn là, chuyển đổi mạnh mẽ phương pháp dạy học đại học, nâng cao năng lực của người học

Đối mới mạnh mẽ giáo dục đại học là yêu cầu tất yếu để tồn tại của các trường ĐH, CĐ trong sự phát triển của nền kinh tế tri thức hội nhập. Đào tạo phải gắn liền với thực tế, không xa rời thực tế. Giáo dục quốc phòng và an ninh bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện thời bình, phải chuẩn bị nguồn nhân lực cho  chiến tranh ngay trong việc xây dựng chương trình. Vì vậy, phải thiết kế chương trình phù hợp với sự phát triển của khoa học và Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong tình hình mới.

Thống nhất phương pháp giảng dạy, chú trọng tính đặc thù dạy kĩ năng quân sự cho học sinh, sinh viên. Giảm bớt thời gian dạy lý thuyết (thực tế hiện nay bố trí các bài lý luận nhiều thời gian); tăng thời gian nghiên cứu, tự học, tham quan, thực tế đơn vị quân, binh chủng chohọc sinh, sinh viên. Học sinh, sinh viên sau khi học môn GDQPAN có niềm tin và kỹ năng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Có phương pháp giảng dạy DGDQPAN tốt sẽ phát huy những tài năng quân sự từ học sinh, sinh viên, có cơ sở tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực xây dựng tiềm lực cho Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhiệm vụ giáo dục quốc phòng – an ninh cho các tầng lớp nhân dân trong những năm qua đã được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt coi trọng, thể hiện trong chủ trương, đường lối lãnh đạo, định hướng công tác quốc phòng, an ninh trong tình hình mới và đã được quy định bằng hệ thống các văn bản pháp luật. Đặc biệt đối với thế hệ trẻ học sinh, sinh viên; ngoài việc nâng cao dân trí về quốc phòng, GDQP-AN góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng sâu sắc, hình thành ý thức quốc phòng đúng đắn, nâng cao trách nhiệm công dân cho học sinh, sinh viên đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; giáo dục lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, xây dựng ý thức tổ chức kỉ luật, nếp sống tập thể, cùng với các hoạt động khác góp phần đẩy lùi tiêu cực và tệ nạn xã hội. Thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục quốc phòng – an ninh là thể hiện niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm đưa nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước vào cuộc sống, thắp sáng ngọn lửa truyền thống “Dựng nước đi đôi với giữ nước” của dân tộc.

Thượng tá, thạc sĩ Vũ Minh

Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Các bài liên quan