Tin an ninh, quốc phòng

Ngày 24-06-2018

Tạo hứng thú trong giáo dục quốc phòng và an ninh

QĐND – Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQPAN) là một nội dung quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhận thức rõ điều này, thời gian qua, các trung tâm GDQPAN cả nước đã có nhiều giải pháp đồng bộ, đột phá, đổi mới nội dung, chương trình GDQPAN gắn với đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo hứng thú cho học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, đại học.

Đến Trung tâm GDQPAN, Trường Đại học Hải Phòng, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là khuôn viên, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, khang trang. Trong các phòng, sinh viên xếp đặt trật tự nội vụ gọn gàng, ngăn nắp, thống nhất, giống như đơn vị quân đội huấn luyện chiến sĩ mới. Dù tiết trời nắng nóng, nhiệt độ lên tới 37-38 độ C, nhưng trên sân tập hay giảng đường, sinh viên đều miệt mài, say sưa học tập.

Luyện tập bắn súng Tiểu liên AK tại Trung tâm Giáo dục QPAN Trường Đại học Hải Phòng.

Tham dự một giờ học môn Đường lối quân sự Việt Nam của sinh viên Trường Đại học Hải Phòng tại trung tâm, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ vì phương pháp truyền đạt của giảng viên được kết hợp nhuần nhuyễn giữa thuyết trình với sử dụng clip, hình ảnh, âm thanh minh họa. Việc đối thoại giữa người dạy với người học được thực hiện dân chủ, theo hướng cởi mở, tích cực. Vì vậy, không khí của lớp học luôn sôi nổi, lôi cuốn người học. Trò chuyện với sinh viên, hầu hết trong số họ đều thích thú với phương pháp học tập này. “Phương pháp truyền đạt của các thầy ở trung tâm khiến chúng em cảm thấy không nhàm chán mà luôn hứng thú, tập trung học tập. Nhiều chủ đề, nội dung được trao đổi kỹ, giúp chúng em hiểu sâu và nắm vững nội dung bài học ngay tại lớp”, Nguyễn Thanh Hiền, sinh viên Khoa Tâm lý giáo dục (Trường Đại học Hải Phòng) bày tỏ.

Qua khảo sát thực tế tại các Trung tâm GDQPAN thuộc các trường đại học: Hải Phòng, Thái Nguyên, Sư phạm Thể dục thể thao (TDTT) Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh… chúng tôi nhận thấy, các cơ sở đều xác định lấy người học là trung tâm, người dạy là nhân tố quyết định nâng cao chất lượng GDQPAN. Trên cơ sở đó, chú trọng bồi dưỡng nâng cao kiến thức toàn diện cho đội ngũ giảng viên, tổ chức thông qua bài giảng nghiêm túc, chặt chẽ. “Chúng tôi yêu cầu 100% giảng viên phải nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. 100% bài giảng đều được minh họa bằng hình ảnh, âm thanh, mô phỏng các tình huống chiến đấu và đưa những thông tin mới, có tính thời sự cung cấp cho người học; đồng thời, khắc phục triệt để tình trạng truyền đạt một chiều, độc thoại; tăng cường gợi ý, hướng dẫn, trao đổi để phát huy tính tích cực, tự giác của người học”, đồng chí Nguyễn Duy Quyết, Giám đốc Trung tâm GDQPAN, Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội, cho biết. 

Để tránh sự nhàm chán, khô khan đối với các môn quân sự, GDQPAN, đội ngũ giảng viên của các trung tâm cũng luôn kết hợp giảng dạy với giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng và nhiệm vụ củng cố QPAN, bảo vệ Tổ quốc thông qua những chiến lệ cụ thể. Đây là một trong những điểm mấu chốt về đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy kiến thức QPAN cho học sinh, sinh viên theo hướng dạy học tích cực, truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, đáp ứng yêu cầu môn học. Tại Trung tâm GDQPAN, Đại học Thái Nguyên, trong quá trình lên lớp, giáo viên đã áp dụng các phương pháp dạy học tích cực như: Thảo luận nhóm, đóng vai theo tình huống… để tạo sự hứng thú cho người học. Qua tìm hiểu được biết, những năm trước đây, trung tâm tiếp nhận sinh viên năm thứ nhất, do các em chưa được chuẩn bị về tâm lý và còn bỡ ngỡ với môi trường học tập nên ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả cuối kỳ. Do vậy, từ năm học 2016-2017, trung tâm chủ động tham mưu, hiệp đồng với các trường, tiếp nhận sinh viên học từ năm thứ hai, chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt. Kết quả năm học 2017-2018, số lượng sinh viên đạt yêu cầu chiếm 93%.

Huấn luyện 5 kỹ thuật băng bó cấp cứu tại Trung tâm Giáo dục QPAN, Trường Đại học Hải Phòng.

Thực tế công tác GDQPAN tại các trung tâm cho thấy, với đặc thù đối tượng sinh viên vừa đa dạng về thành phần, nhận thức, vừa trẻ tuổi đòi hỏi đội ngũ giảng viên GDQPAN phải có phương pháp sư phạm tốt và hòa nhập với sinh viên. Do vậy, Ban giám đốc các trung tâm đều chú trọng đặt lên hàng đầu chất lượng người thầy, tích cực bồi dưỡng trình độ chuyên môn, kỹ năng giảng dạy và kiến thức tổng hợp cho giảng viên các khoa theo quy trình nghiêm ngặt, bảo đảm đạt chuẩn mới giao đảm nhiệm đứng lớp.

Để nâng cao chất lượng GDQPAN cho học sinh, sinh viên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của môn học, các trung tâm GDQPAN đều chú trọng xây dựng, hoàn thiện tổ chức, biên chế; huy động mọi nguồn lực đầu tư nâng cấp nhà ở, giảng đường và cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch huấn luyện khoa học, không chồng chéo, tăng thời gian huấn luyện thực hành và hoạt động ngoại khóa, như: Tổ chức tham quan bảo tàng, di tích lịch sử, các đơn vị quân đội; thi đấu thể thao, giao lưu văn nghệ, chiếu phim, thông báo thời sự; khen thưởng, biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong học tập, rèn luyện; tạo môi trường quân sự dân chủ, thân thiện và khơi dậy tính tự giác của học sinh, sinh viên trong quá trình học tập. Thực hiện nâng cao chất lượng toàn diện GDQPAN, các trung tâm đều chủ trương lựa chọn những cán bộ, giảng viên có phẩm chất đạo đức, năng lực và trách nhiệm, cử đi bồi dưỡng, học tập nâng cao trình độ. Hiện tại, 100% cán bộ, giảng viên của các trung tâm đều có trình độ đại học và sau đại học. Hằng năm đều tổ chức và cử giảng viên tham gia thi giảng viên giỏi, coi đây là biện pháp quan trọng để bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực toàn diện cho đội ngũ giảng viên.

Ông Trịnh Tuấn Hoài, Giám đốc Trung tâm GDQPAN, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nêu kinh nghiệm: Khi mới chuyển về trung tâm, để được trực tiếp giảng dạy, các sĩ quan biệt phái phải mất ít nhất 6 tháng tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng của người thầy và hoàn thành quy trình công nhận giảng viên GDQPAN. Chính vì vậy, trung tâm chủ trương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các giảng viên mới phải thường xuyên dự giờ để học hỏi kinh nghiệm của giảng viên lâu năm, chuẩn bị giáo án, tự thục luyện rồi giảng thử lần lượt ở các cấp để bình giảng. Sau đó, Hội đồng giáo dục của trung tâm bao gồm các chuyên gia uy tín đang công tác tại một số học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội thẩm định đạt chuẩn mới được công nhận và xếp giờ giảng dạy. Bên cạnh đó, các giảng viên phải tham gia học tập tích lũy chứng chỉ dạy học đại học và trình độ tin học, ngoại ngữ; sử dụng thành thạo máy vi tính để soạn và giảng dạy bằng giáo án điện tử… Nhờ thực hiện nghiêm ngặt quy trình đó, đến nay, 100% giảng viên của trung tâm có trình độ đại học và sau đại học; khoảng 80% giảng viên đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi môn GDQPAN.

Bài và ảnh: DUY ĐÔNG – THÀNH SANG

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Các bài liên quan