Tin an ninh, quốc phòng

Ngày 25-07-2023

Nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh trong các cơ sở giáo dục đại học - mấy giải pháp

Giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học là nội dung quan trọng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ tốt hơn công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, nghiên cứu, phát hiện, đề xuất giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập từ thực tiễn, nhằm nâng cao chất lượng công tác này, đáp ứng yêu cầu mới là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Những năm qua, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nên đã đạt được kết quả tích cực. Đáng chú ý là, những năm gần đây, chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên tại các cơ sở giáo dục đại học trên phạm vi cả nước ngày càng cao. Thông qua học tập môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh, đội ngũ sinh viên - nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai đã được trang bị khá toàn diện những kiến thức cơ bản về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; nắm được những nội dung cơ bản về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân,... và những kỹ năng quân sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng cùng những đòi hỏi mới từ thực tiễn, quá trình triển khai thực hiện tại các cơ sở giáo dục đại học đối với công tác quan trọng này đã xuất hiện những hạn chế, bất cập nhất định. Điển hình như: một số văn bản quản lý nhà nước, hướng dẫn thực hiện có nội dung không còn phù hợp với điều kiện tình hình mới; chương trình, giáo trình môn học này có nội dung chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn, v.v.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay, nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trước tiên là phải rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác này cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước cùng các bộ, ngành, lực lượng, cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản, tạo hành lang pháp lý cần thiết trong thực hiện công tác giáo dục, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân nói chung, cho sinh viên tại các cơ sở giáo dục đại học nói riêng. Tuy nhiên, trải qua quá trình triển khai thực hiện, trước sự phát triển và đòi hòi của thực tiễn, hệ thống văn bản, nhất là văn bản dưới luật ngày càng có những nội dung không còn phù hợp, bộc lộ những bất cập cần kịp thời khắc phục nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức, quản lý, triển khai giảng dạy đạt hiệu quả thiết thực. Đơn cử như vấn đề thu học phí, hiện vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể về học phí, mà chỉ quy định học phí cho từng khối ngành, chuyên ngành đào tạo theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, ngày 02/10/2015 của Chính phủ. Vì thế, các cơ sở giáo dục đại học thực hiện thu học phí môn Giáo dục quốc phòng và an ninh bằng mức các môn học khác theo khối, ngành đào tạo. Trong khi đó, theo quy định, tất cả sinh viên học môn học này tại các cơ sở giáo dục đại học đều có cùng chương trình, thời gian, yêu cầu đạt được, nên mức thu đó là không phù hợp, thiếu sự công bằng, ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, trách nhiệm,... của người học, tác động trực tiếp đến chất lượng môn học. Về chương trình đào tạo, hiện chưa có quy định cụ thể cho đối tượng đã hoàn thành chương trình môn học ở trình độ trung cấp (cao đẳng) khi học liên thông lên trình độ đại học; dẫn đến một số cơ sở giáo dục đại học buộc phải tiến hành giảng dạy toàn bộ chương trình môn học cho đối tượng này theo quy định ở trình độ đại học, trong đó có nội dung đã được trang bị từ cấp học trước, gây lãng phí không cần thiết, v.v. Để khắc phục tình trạng này, đề nghị Cơ quan Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương liên quan cùng các cơ quan, lực lượng chức năng chủ động rà soát toàn bộ hệ thống văn bản chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác này, kịp thời phát hiện những nội dung bất cập, chưa thống nhất, hoặc đã lạc hậu, làm cơ sở tham mưu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện. Trong đó, cần chú trọng triển khai việc rà soát tại các cơ sở giáo dục nói chung, cơ sở giáo dục đại học nói riêng, nhất là các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh - nơi trực tiếp tổ chức thực hiện; thông qua đó, phát hiện các bất cập, đề xuất hướng giải quyết, làm cơ sở thực tiễn quan trọng để các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản về công tác quan trọng này, bảo đảm phù hợp với thực tiễn mới.

Hai là, quyết liệt triển khai đổi mới nội dung, chương trình môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh phù hợp với sự phát triển và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn. Đây là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu mới. Bởi nội dung, chương trình môn học chính là sự quy định về khối lượng kiến thức, tri thức cần trang bị cho người học; mà kiến thức, tri thức đó cần được cập nhật liên tục theo sự phát triển của thực tiễn. Qua đó, người học mới lĩnh hội, tích lũy được tri thức, kiến thức mới, cấp thiết, tạo nền tảng quan trọng để xây dựng, hình thành và phát triển nhân cách theo mục tiêu, yêu cầu giáo dục, đào tạo. Do đó, việc đổi mới nội dung, chương trình môn học này là đòi hỏi cấp thiết và phải được tiến hành với nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, tập trung chủ yếu vào triển khai cập nhật những nội dung cần thiết vào chương trình; thường xuyên biên soạn, chỉnh sửa, bổ sung bảo đảm cho giáo trình, tài liệu đáp ứng yêu cầu mới từ thực tiễn, phục vụ tốt nhất cho cả hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập của các đối tượng liên quan. Hiện nay, giáo trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh đang sử dụng trong các cơ sở giáo dục đại học có nội dung đã lạc hậu, thậm chí có loại xuất bản cách đây hơn 10 năm, nên có nhiều nội dung không phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của thực tiễn, nhất là đường lối về quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 05/2020/TT-BGDĐT, ngày 18/3/2020 quy định chương trình đào tạo môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh cho các cơ sở giáo dục đại học (cách đây hơn 03 năm), nhưng hiện vẫn chưa có giáo trình mới thay thế giáo trình cũ. Do vậy, cơ quan chức năng, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ động chủ trì phối hợp và quyết liệt triển khai nghiên cứu, ban hành các loại giáo trình, tài liệu phù hợp với thực tiễn mới; và coi đây là việc cần làm ngay, mang tính rất cấp thiết. Trong đó, cần cập nhật, bổ sung hệ thống quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh theo tư duy, nhận thức mới; sự phát triển của khoa học, công nghệ quân sự hiện đại, các hình thái, phương thức tác chiến mới; chú trọng nội dung trang bị cho sinh viên về “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch hiện nay với nhiều thủ đoạn tinh vi mới; làm cơ sở cho sinh viên nhận biết và tích cực tham gia đấu tranh, nhất là trên không gian mạng, v.v. Trước mắt, để khắc phục sự chậm chễ này, các cơ sở giáo dục đại học cần chủ động, quyết liệt triển khai cho khoa chuyên ngành, đội ngũ giảng viên linh hoạt cập nhật, đưa nội dung mới, cấp thiết vào bài giảng; chú trọng khâu thông qua, kiểm tra, đánh giá bài giảng thông qua thực hiện quyết liệt các biện pháp trong quá trình tổ chức thực hiện.

Ba là, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài. Chất lượng người thầy luôn đóng vai trò quyết định chất lượng đào tạo. Trong khi đó, môn Giáo dục quốc phòng và an ninh lại mang tính đặc thù cao, có nội dung mang tính nguyên tắc khô cứng, kiến thức cần trang bị cho người học thường không sát với chuyên ngành đào tạo của họ. Vì thế, ngoài những kiến thức cơ bản cần thiết, giảng viên cần hội tụ đầy đủ kiến thức chuyên môn và trình độ sư phạm phù hợp môn học để tạo nên hứng thú cho người học, khắc phục tình trạng học đối phó, cần chứng chỉ mà không cần kiến thức, kỹ năng về lĩnh vực này. Trong thực tế, đội ngũ giảng viên Giáo dục quốc phòng và an ninh tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay, ngoài việc số lượng còn thiếu thì chất lượng vẫn có mặt chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tế; đặc biệt là đội ngũ sĩ quan biệt phái chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, dẫn đến phương pháp giảng dạy hạn chế, trong quá trình giảng dạy thường vận dụng cứng nhắc phương pháp từ đối tượng quân nhân sang sinh viên, v.v. Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài, trước hết cần có giải pháp đồng bộ, khoa học, quyết liệt tiếp tục thực hiện tốt Đề án đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh theo Quyết định số 607/QĐ-TTg, ngày 24/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chính sách thỏa đáng để thu hút lượng học sinh tham gia học tập ngành sư phạm này, kiên quyết khắc phục tình trạng thiếu nguồn đầu vào tại các cơ sở đào tạo như những năm qua; đồng thời, thường xuyên chuẩn hóa đầu ra nguồn đào tạo theo sự phát triển của thực tiễn, đưa chất lượng đào tạo ngày càng nâng cao đáp ứng yêu cầu mới. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên Giáo dục quốc phòng và an ninh ở các cơ sở giáo dục đại học; chú trọng cập nhật nội dung mới về đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự phát triển của khoa học, công nghệ, nghệ thuật quân sự, v.v. Cùng với đó, Cơ quan Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng chức năng, cơ sở giáo dục đại học lựa chọn sĩ quan biệt phái có đủ tiêu chí, nhất là chứng chỉ sư phạm; kịp thời tổ chức đào tạo, bồi dưỡng những giảng viên còn thiếu tiêu chí, đáp ứng yêu cầu thực tế.

Nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên tại các cơ sở giáo dục đại học là trách nhiệm của nhiều tổ chức, nhiều lực lượng từ Trung ương đến cơ sở; từ người quản lý, người dạy đến người học. Theo chức năng, nhiệm vụ, mỗi tổ chức, cá nhân, mỗi thành phần, lực lượng, trong quá trình thực hiện đều cần chủ động xác định, đề ra các giải pháp, biện pháp phù hợp trong phạm vi với tinh thần trách nhiệm cao nhất và hành động quyết liệt nhất. Đó sẽ là giải pháp hiệu quả, trực tiếp nhất góp phần không ngừng nâng cao chất lượng mặt công tác quan trọng và cần thiết này.

Đại tá ĐINH VĂN LONG và Thiếu tá LÊ MINH TUẤN, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, Đại học Thái Nguyên

Nguồn: Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Các bài liên quan