Tin tức & Sự kiện
Ngày 08-10-2020
Chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh gắn với hoạt động trải nghiệm thực tế cho sinh viên
Thực hiện mục tiêu của giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội,… Trong thời gian qua, việc nâng cao chất lượng giảng dạy môn học GDQPAN cho học sinh, sinh viên được Trung tâm GDQPAN Đại học Thái Nguyên đặc biệt quan tâm. Ngày 07/10/2020, sau phiên họp Đảng ủy Trung tâm, GS.TS. Phạm Hồng Quang - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên đã đi thăm quan mô hình tổ chức hoạt động ngoại khóa của Trung tâm và đã có chỉ đạo yêu cầu toàn thể cán bộ giảng viên trong Trung tâm thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, học lý luận trên lớp gắn với hoạt động trải nghiệm thực tế để môn học GDQPAN không còn là thép, là nỗi ám ảnh của nhiều sinh viên mà giờ đây khi tham gia học tập môn học GDQPAN tại Trung tâm sẽ là niềm vui, là những kỷ niệm, là sự thấu hiểu các lớp cha anh đã trải qua và yêu thích môn học.
GS.TS. Phạm Hồng Quang – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm thăm quan mô hình hoạt động trải nghiệm và chỉ đạo thực hiện
Chương trình hoạt động trải nghiệm cho sinh viên đã được Trung tâm GDQPAN Đại học Thái Nguyên triển khai tổ chức thực hiện từ đầu năm học 2020-2021 dưới hình thức tổ chức các trò chơi quân sự và hoạt động dã ngoại đã thu hút được nhiều lượt sinh viên đăng ký tham gia. Thông qua các trò chơi quân sự và hoạt động dã ngoại, sinh viên củng cố, mở rộng các kiến thức đã học, tìm kiếm kiến thức mới, phát triển hứng thú nhận thức môn học, do đó kiến thức, kỹ năng của các em vững chắc hơn, sâu hơn và rộng hơn, giúp sinh viên tự học, tự rèn trong môi trường quân sự tại Trung tâm và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.
Trong quá trình học tập ở trên lớp, thời gian dành cho rèn luyện các cử động, động tác và các hành động cụ thể của sinh viên là rất ít, không bảo đảm để thuần thục các động tác, để từ đó hình thành những kỹ năng cần thiết. Vì vậy, khi thực hành các động tác thuộc nội dung kỹ thuật bắn súng, chiến thuật chiến đấu, điều lệnh đội ngũ,…tính thống nhất, độ chuẩn xác và sức mạnh của sinh viên là chưa tốt, sinh viên gặp không ít khó khăn, lúng túng và kết quả chưa cao. Việc tổ chức hoạt động trải nghiệm thông qua các trò chơi quân sự để rèn luyện kỹ năng thực hành là không thể thiếu được, là yếu tố rất cần thiết đối với sinh viên tại Trung tâm hiện nay.
Hoạt động dưới hình thức dã ngoại sẽ tạo được sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên thực tế, gắn giữa lý thuyết với thực hành, giữa lý luận và thực tiễn. Hoạt động dã ngoại, được coi là hình thức hoạt động rất cao của quá trình dạy học. Trong GDQPAN, hoạt động trải nghiệm theo hình thức dã ngoại là hoạt động chủ công, diễn ra trong thời gian dài, chiếm một khu vực khá rộng và cùng một lúc diễn ra các hoạt động khác nhau của nhiều sinh viên, với mức độ phức tạp khác nhau. Ở nội dung này, sinh viên sẽ được trải nghiệm theo hình thức dã ngoại về GDQPAN không chỉ là dạy học những nội dung mang tính chất bổ trợ, mà dạy học ngay chính nội dung đã được thiết kế trong chương trình chính khóa, từng vấn đề, từng tình huống sinh viên được bàn bạc, xử lý có bài bản, có tính thuyết phục, mang tính khoa học và thực tiễn để đi đến thống nhất cao trong hành động. Hoạt động dã ngoại, lấy hoạt động tổ chức ăn, ở dã ngoại làm chính, nhằm trang bị những kĩ năng, khả năng tồn tại trong điều kiện rừng núi và tiếp cận cuộc sống của “người lính” với bữa ăn được nấu bằng bếp Hoàng Cầm mỗi khi huấn luyện diễn tập và trong chiến đấu.
Đổi mới phương pháp dạy học gắn học lý luận trên lớp với hoạt động trải nghiệm thực tế tại Trung tâm GDQPAN Đại học Thái Nguyên là yêu cầu có tính cấp thiết và mang tính chiến lược lâu dài. Việc thực hiện tốt hoạt động trải nghiệm sẽ giúp Trung tâm không ngừng cải tiến chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn mục tiêu GDQPAN đã đề ra và là một định hướng cho mô hình giáo dục đào tạo để người học phát triển toàn diện.