Tin tức & Sự kiện

Ngày 10-12-2020

Nơi sinh viên học làm bộ đội

Nằm ở xóm Nước Hai, xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên, nhiều năm qua Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQPAN) Đại học Thái Nguyên trở thành một địa chỉ học tập, rèn luyện kỹ năng và trải nghiệm cuộc sống bộ đội thiết thực bổ ích cho hàng nghìn học sinh, sinh viên trên địa bàn.

Môi trường học tập đặc biệt

Trong tiết trời se lạnh của ngày đầu đông, những sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên nhận được lệnh “đi bộ đội” ngay sau khi mới nhập trường. Vậy là, hơn 1.000 sinh viên K53 khăn gói tư trang lên đường “nhập ngũ” tại Trung tâm GDQPAN Đại học Thái Nguyên.

Lần đầu tiên xa nhà đến ăn ở, sinh hoạt, học tập tập trung tại một môi trường giáo dục như các chiến sĩ trong quân đội, các “cậu ấm, cô chiêu” cũng không khỏi bỡ ngỡ. Em Vũ Việt Hưng, sinh năm 2000, lớp K53B, chia sẻ: “Thực sự là những ngày mới vào Trung tâm chúng em đều hồi hộp, lo lắng bởi học tập, rèn luyện trong môi trường kỷ luật “thép”. Thế nhưng, nhờ sự vui vẻ, gần gũi, tâm lý của các thầy cô tạo cho chúng em cảm thấy thoải mái hơn. Các thầy cô không chỉ dạy kiến thức mà còn trò chuyện, chia sẻ với sinh viên rất nhiều điều bổ ích trong cuộc sống”.

Em Nguyễn Thị Bích Phương và nhiều bạn cùng lớp K53B cũng có chung suy nghĩ: “Ban đầu mới vào Trung tâm, việc thực hiện các chế độ trong ngày như bộ đội quả là rất khó khăn như: Thức dậy từ 5 giờ để tập thể dục buổi sáng, học gấp chăn màn phẳng, đi học, ăn cơm phải xếp hàng,... Tuy nhiên, chỉ sau mấy ngày các bạn đã cảm thấy thích thú bởi đây là môi trường tốt để sinh viên rèn luyện tính kỷ luật và ý thức tự giác cao. Cảnh quan nơi đây xanh mát, thoáng đãng mà “Trong một không gian xanh mát, thoáng đãng, học tập, sinh hoạt cùng nhau, dường như là động lực khiến chúng em xích lại gần nhau hơn, trò chuyện thân tình, cởi mở và chia sẻ với nhau nhiều hơn” - Bích Phương nói.

Luyện tập các bài chiến thuật trên thao trường

Thành lập từ năm 1992, Trung tâm GDQPAN Đại học Thái Nguyên là một trong những Trung tâm ra đời sớm nhất trong các Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc các trường đại học ở nước ta. Hiện nay, Trung tâm tọa lạc trên một khu đất rộng chừng hơn 15, 5327ha giữa bạt ngàn cây xanh, hoa, cỏ. Ở đây có đầy đủ các khu giảng đường, thư viện, phòng học máy tính, thao trường kỹ chiến thuật, nhà tập bắn, sân vận động, sân duyệt đội ngũ… Ngoài ra còn có các nhà thi đấu thể thao đa năng, dụng cụ phục vụ sinh viên luyện tập thể thao, văn nghệ và các chương trình hoạt động tập thể, vui chơi giải trí khác… Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đinh Văn Long, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Nhiệm vụ của Trung tâm là giáo dục quốc phòng-an ninh cho sinh viên các trường đại học thuộc Đại học Thái Nguyên và các đơn vị liên kết trên địa bàn. Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho đối tượng 4 là cán bộ viên chức và đảng viên thuộc đại học. Tổ chức lực lượng tự vệ cho Ban chỉ huy quân sự của các trường đại học. Cán bộ giảng viên của Trung tâm phần lớn là sĩ quan của Quân khu 1 được Bộ Quốc phòng điều động sang làm nhiệm vụ giảng dạy, huấn luyện.

Trung bình mỗi năm, trung tâm tổ chức học tập, huấn luyện tập trung cho khoảng 1.700 sinh viên. Trong thời gian 5 tuần với 160 tiết học, các sinh viên không chỉ được lĩnh hội kiến thức lý thuyết và thực hành về nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh, mà còn được rèn luyện nền nếp tác phong, đạo đức lối sống, kỹ năng sống như các chiến sĩ trong môi trường quân đội. Mỗi khóa học, Trung tâm đều phối hợp với lực lượng công an trên địa bàn đến nói chuyện tuyên truyền về các vấn đề pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ an ninh quốc gia, phòng chống tà đạo xâm nhập vào đơn vị, trường học,… Riêng nội dung phòng, chống diễn biến hòa bình cũng được giới thiệu trong các bài giảng lý thuyết về lý luận, chính trị.

Sinh viên học các bài lý thuyết về giáo dục quốc phòng và an ninh tại giảng đường

Tăng cường hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm bộ đội

Để môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh không còn là môn học khô khan, cứng nhắc, nhiều năm qua, Trung tâm GDQPAN Đại học Thái Nguyên đã tăng cường đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, kết hợp lý thuyết với thực hành, tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên giúp các em có những trải nghiệm bổ ích. Đó là các trò chơi rèn luyện tính tự chủ, trí nhớ, thính tai, tinh mắt và các giác quan (bắn, ngừng; tiến công, phục kích; ai đổi chỗ; anh nuôi đi chợ; vượt rào ban đêm; người canh đêm; bắt thám báo…); trò chơi rèn luyện tinh thần dũng cảm, sức khỏe dẻo dai, sự khéo léo, nhanh nhẹn (vượt suối; chuyển đạn lên trận địa; bánh xe Trường Sơn; kéo co; vượt qua gian khó, truyền tin, đoàn kết); trò chơi rèn luyện kỹ năng chuyên môn (hiệp đồng tác chiến; chuyển thương; tìm phương hướng; dẫn dầu ra mặt trận…); trò chơi giáo dục tổng hợp-chơi lớn (tiến công-phòng ngự; tập làm anh nuôi; ăn ở dã ngoại);...Tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí, giáo dục kỹ năng sống như: Hội thi nấu ăn “Mâm cơm chiến sĩ”, nấu bếp Hoàng Cầm, “Vui cùng chiến sĩ” và các trò chơi dân gian khác.

Cùng với trang bị kiến thức quốc phòng-an ninh cho sinh viên và các đối tượng khác, hằng năm Trung tâm GDQPAN còn tổ chức các khóa học kỳ quân đội “Chúng em học làm chiến sỹ” với thời gian từ 7 đến 10 ngày cho thanh thiếu niên lứa tuổi từ 10 đến 17 và trải nghiệm một ngày làm bộ đội cho học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh. Hoạt động này thu hút đông đảo học sinh tham gia, được dư luận xã hội đánh giá cao và để lại rất nhiều kỷ niệm khó quên với đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trung tâm.

Thầy và trò cùng trò chuyện vui vẻ sau giờ học

ThS. Nguyễn Hải Dương, Phó trưởng Phòng Kế hoạch-Tổng hợp Trung tâm kể: Học sinh tham gia các học kỳ quân đội có rất nhiều em cá tính, có em tự kỷ tăng động, có em thì không quen ngủ riêng, không thích ăn chung với mọi người,… Nhưng sau một nửa thời gian làm “chiến sĩ nhí”, các em đã tiến bộ rất nhanh, các em đã có tính tự lập tốt, tự gấp chăn màn, sắp xếp nội vụ vệ sinh gọn gàng ngăn nắp, chấp hành tốt giờ giấc quy định như bộ đội, hòa đồng hơn với các bạn,… Đặc biệt qua nhiều buổi nói chuyện của các thầy về tình mẫu tử, sự thấu cảm chia sẻ yêu thương, đạo đức lối sống,… nhiều em đã khóc nức nở. Thậm chí một số em ở nhà ít khi viết thư bày tỏ tình cảm với bố mẹ, anh chị nhưng khi tham gia học kỳ quân đội tại Trung tâm một thời gian đã biết viết thư gửi về gia đình. Chính vì thế, có những phụ huynh khi vào thăm con tại Trung tâm đã không cầm được nước mắt bởi thấy được sự tiến bộ rõ rệt trong suy nghĩ và hành vi của các “chiến sĩ nhí”, lại đăng ký cho con học tiếp khóa nữa...

Gần 30 năm qua, Trung tâm GDQPAN Đại học Thái Nguyên đã giáo dục, đào tạo và huấn luyện 29 khóa với hàng chục nghìn lượt học sinh, sinh viên; đào tạo được 13 khóa ngắn hạn giáo viên GDQPAN cho các trường THPT; huấn luyện được hơn 1200 lượt tự vệ cho các trường thuộc Đại học Thái Nguyên, dân quân tự vệ các phường, xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, góp phần quan trọng vào việc phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc nước ta. Trung tâm GDQPAN Đại học Thái Nguyên đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì và hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, Quân khu 1 tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục quốc phòng và an ninh.

Bài và ảnh: Phúc Anh

Nguồn: Quân đội nhân dân Cuối tuần

Các bài liên quan